KHAI THÁC RONG NHO THIÊN NHIÊN1 KHAI THÁC RONG NHO THIÊN NHIÊN 1

TIÊU CHUẨN HÓA SẢN PHẨM RONG NHO MANG LẠI LỢI THẾ CHO DOANH NGHIỆP

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) đã chủ trì, phối hợp cùng nhiều đơn vị có liên quan đến lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, thương mại sản phẩm rong nho nhằm xây dựng Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia cho rong nho. Sau 2 năm triển khai xây dựng, đến nay tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cho sản phẩm rong nho đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tại Quyết định số 1062/QĐ-BKHCN ngày 27/5/2024 với số hiệu TCVN 14142:2024 - Rong nho (Caulerpa lentillifera). Như vậy, sau hơn 20 năm di giống, sản phẩm rong nho đã chính thức được tiêu chuẩn hóa tại Việt Nam.

 

TS- Hoàng Thái Hà – Chuyên gia nghiên cứu rong nho biển - Cố vấn chuyên môn Công ty TNHH Đại Phát Bplus

Nhân sự kiện này, TS- Hoàng Thái Hà – Chuyên gia nghiên cứu rong nho biển - Cố vấn chuyên môn Công ty TNHH Đại Phát Bplus, một trong những đơn vị đầu tiên tham gia dự án xây dựng tiêu chuẩn rong nho đã có những chia sẻ để hiểu hơn về vai trò và tầm quan trọng của tiêu chuẩn này.

 

Thưa TS Hoàng Thái Hà! Được biết, hiện trên thế giới chưa có quốc gia nào xây dựng và ban hành quy định, tiêu chuẩn riêng cho sản phẩm rong nho. Việt Nam là nước tiên phong xây dựng tiêu chuẩn Quốc gia dành riêng cho sản phẩm này, theo ông điều này có vai trò và ý nghĩa như thế nào?

Theo tôi, tiêu chuẩn này được công bố có ý nghĩa rất lớn. Ngoài giúp cơ quan quản lý có cơ sở để kiểm tra, đánh giá chất lượng và an toàn thực phẩm còn giúp các đơn vị sản xuất, chế biến có cơ sở để đối chiếu, kiểm soát chất lượng, xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường, đồng thời góp phần nâng cao giá trị sản xuất, xuất khẩu và thúc đẩy ngành hàng rong nho tại Việt Nam phát triển bền vững và đúng hướng.

Là một sản phẩm được di giống Nhật Bản, hiện rong nho Việt Nam được trồng ở đâu và vùng nuôi trồng này cần phải đảm bảo các điều kiện môi trường như thế nào thưa ông?

Rong nho (tên khoa học Caulerpa lentillifera) là loài rong biển được PGS.TS Nguyễn Hữu Đại di nhập từ Nhật Bản về Việt Nam năm 2003 với mục đích nghiên cứu và nuôi trồng. Năm 2004 thì PGS Đại và Cộng sự– Viện Hải Dương học Nha Trang đã có những nghiên cứu đầu tiên về đặc tính sinh học và kỹ thuật nuôi trồng rong nho biển trong phòng thí nghiệm., kể từ đó kỹ thuật trồng rong nho đã được chuyển giao cho nông dân và phát triển quy mô lớn đến nay.

Hiện nay, nhiều địa phương ven biển miền Trung như Khánh Hòa, NinhThuận, Bình Thuận, Phú Yên đã thành công trong việc trồng rong nho, phục vụ cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, mang lại lợi nhuận cao. Đây được coi là một giải pháp thiết thực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại các vùng ven biển.

Tuy nhiên, để rong nho đạt chất lượng và năng suất cao thì vùng nuôi trồng là rất quan trọng, không phải nơi nào cũng có thể nuôi được loại thủy sinh này. Yếu tố quan trọng nhất là phải chọn vùng biển sạch, có độ mặn phù hợp, nguồn nước không bị ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp, nước sinh hoạt. Ngoài ra, vùng nước nuôi trồng rong nho phải có đáy là cát hoặc cát pha bùn. Bên cạnh đó, phải thuận tiện trong việc cấp thoát nước, ít bị ảnh hưởng bởi sóng gió hay các phương tiện giao thông như tàu, thuyền…

 

Ngoài những điều kiện về môi trường, phương pháp nuôi trồng, thu hoạch loài thủy sinh này cần phải lưu ý những gì để đảm bảo chất lượng sản phẩm thưa ông?

Hiện nay, ngoài việc khai thác ngoài thiên nhiên, chúng ta còn có 3 phương pháp trồng rong nho đang được áp dụng phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới đó là phương pháp trồng đáy, trồng kê sàn và trồng trong vỉ lưới. Nhìn chung mỗi phương pháp đều có những lợi thế riêng. Nhưng dù nuôi bằng phương pháp nào cũng luôn phải lưu ý chăm sóc và theo dõi sự phát triển của rong hằng ngày, thường xuyên vệ sinh, nhặt bỏ rong tạp, tiêu diệt cá vào ăn rong. Bên cạnh đó còn phải theo dõi thủy triều, có chế độ thay nước hợp lý, giúp kích thích rong phát triển.

Sau khi nhánh rong đạt kích thước trên 6cm, hạt to, tươi, có độ giòn, độ mặn và độ tanh nhất định thì có thể tiến hành thu hoạch. Qúa trình này cũng phải được thực hiện theo đúng quy trình để đảm bảo không bị dập, héo và giữ được chất lượng cao nhất của rong nho.

Rong nho sau khi được cắt hái sẽ được sục rửa liên tục để làm sạch và loại bỏ những nhánh rong kém chất lượng, sau đó tiếp tục được nuôi dưỡng trong môi trường lý tưởng trước khi được phân loại đóng gói để cung cấp ra thị trường. Ngoài cách bảo quản rong nho tươi sau thu hoạch, các đơn vị sản xuất còn sử dụng công nghệ tách nước, sấy khô rong nho …để tăng thời hạn sử dụng.

Được biết, Công ty Đại Phát Bplus cũng là đơn vị đầu tiên được Bộ NN&PTNT đề cử tham gia dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm rong nho, điều này giúp ích như thế nào cho quá trình nuôi trồng và phát triển các sản phẩm của đơn vị?

Công ty Đại Phát Bplus, là công ty do các nhà Khoa học sáng lập nhằm mục đích là triển khai dự án nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu rong nho. Đã có hơn 20 năm xây dựng dựng và phát triển. Hiện chúng tôi đang cung cấp ra thị trường sản phẩm rong nho tươi tách nước và được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ…

Để có thể cung cấp cho thị trường các sản phẩm chất lượng, được khách hàng đón nhận, bên cạnh việc lựa chọn nguồn giống tốt, phương pháp nuôi trồng thì các giai đoạn chăm sóc, thu hoạch và chế biến cũng cần phải theo đúng các tiêu chuẩn đề ra.

Thời gian qua, chúng tôi cũng là đơn vị đầu tiên được Bộ NN&PTNN tin tưởng đề cử tham gia dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm rong nho. Đây là cơ hội để chúng tôi triển khai xây dựng và kiểm soát các tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm của mình trong suốt quá trình nuôi trồng, chế biến, bảo quản và phân phối đến tay người tiêu dùng.

 

Là một loại tảo biển có giá trị dinh dưỡng cao nhưng lại khá nhạy cảm với những biến đổi của môi trường, Công ty Đại Phát Bplus đã áp dụng quy trình chế biến và bảo quản như thế nào để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho sản phẩm?

Rong nho là sản phẩm có giá trị kinh tế cao và chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, rong nho  cũng như các sản phẩm rong khác chứa hàm lượng nước lớn và có cấu trúc mô lỏng lẻo nên dễ bị dập nát, hư hỏng trong quá trình vận chuyển, bảo quản. Ngoài ra thời gian sử dụng của rong nho tươi rất ngắn chỉ 3-4 ngày. Do đó, để có thể thương mại và thuận lợi cho việc phân phối sản phẩm chúng ta cần có quy trình sơ chế và bảo quản phù hợp nhằm đảm bảo được chất lượng của sản phẩm trong một thời gian dài.

Cụ thể, đối với sản phẩm rong nho tươi tách nước của DPB có thời gian sử dụng lên đến 12 tháng .Để giữ được chất lượng sản phẩm, sau khi thu hoạch, sơ chế, rong nho của DBP sẽ được tách nước. Công nghệ này có ưu điểm cho phép tăng thời gian bảo quản cũng như giữ được màu sắc và hoạt tính sinh học của sản phẩm. Đây cũng là yếu tố giúp cho các sản phẩm  rong nho của DPB được người tiêu dùng đánh giá có chất lượng cao so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường và ưa dùng.

 

Ông có thể chia sẻ về kế hoạch phát triển của Đại Phát Bplus sau khi sản phẩm rong nho có tiêu chuẩn chất lượng riêng?

Ngoài việc chuẩn hóa các hoạt động nuôi trồng, chế biến sản phẩm đảm bảo theo đúng các tiêu chuẩn mà cơ quan quản lý đề ra, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm mới từ rong nho, hướng đến phục vụ nhiều đối tượng khách hàng hơn nữa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn được phát triển, hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng thị trường đồng thời đưa sản phẩm rong nho Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng trên thế giới.

Xin được cảm ơn những chia sẻ của ông!