KHAI THÁC RONG NHO THIÊN NHIÊN1 KHAI THÁC RONG NHO THIÊN NHIÊN 1

CHUYÊN GIA BÀN GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN LƯƠNG THỰC THỰC PHẨM

Với mong muốn tìm giải pháp bền vững cho lương thực, thực phẩm của nông dân, nhiều nhà khoa học đã đưa ra nhiều đề xuất có tính ứng dụng cao.

Với mong muốn tìm giải pháp bền vững cho lương thực, thực phẩm của nông dân, nhiều nhà khoa học đã đưa ra nhiều đề xuất có tính ứng dụng cao.

Chuyên gia bàn giải pháp phát triển lương thực, thực phẩm - ảnh 1

Hội thảo quy tụ khoảng 500 chuyên gia, sinh viên trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm

PHÚC KHA

Các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên vừa mới công bố những nghiên cứu về xây dựng quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm nhằm giữ vững chất lượng, giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, bảo quản thực phẩm an toàn và góp phần giảm tổn thất giữa thời điểm thu hoạch và đến tay người tiêu dùng.

Trong Hội thảo An toàn thực phẩm và An ninh lương thực lần 6 năm 2022 tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM ngày 26.8, ông Nguyễn Tấn Hùng, bà Phan Thị Ngọc Hạnh (hai giảng viên Trường ĐH Tiền Giang) đã chia sẻ nghiên cứu quy trình chế biến đồ hộp từ mít Thái thứ phẩm và mít non để nâng cao giá trị kinh tế.

Ông Hùng cho biết, mít Thái thường được tiêu thụ chủ yếu ở dạng tươi, thời hạn sử dụng của mít chín chỉ khoảng 2-3 ngày trong điều kiện nhiệt độ phòng và thịt mít sẽ bắt đầu thối rữa sau đó. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nông sản bị tắc nghẽn nghiêm trọng ở cửa khẩu xuất sang thị trường Trung Quốc, điều này làm giá thu mua giảm liên tục gây thiệt hại cho nhà vườn.

“Chính vì thế, chúng tôi thực nghiên cứu nhằm tạo ra một loại đồ hộp từ quả mít, trong đó có sử dụng một phần thịt từ trái mít non với hương vị mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm từ nguồn nguyên liệu giá rẻ (mít chợ) sẵn có ở tỉnh Tiền Giang để tạo ra sản phẩm chế biến có khả năng bảo quản lâu, đồng thời giúp đa dạng hóa sản phẩm để tạo đầu ra mới cho nguyên liệu này”, ông Tấn Hùng chia sẻ.

Theo nhóm nghiên cứu, mít được chọn để làm sản phẩm đồ hộp là mít chín loại thứ phẩm có trọng lượng < 9kg/trái, chín đều, không thối hỏng: mít non: khoảng 5-6 tuần sau khi đậu trái (được loại ra trong quá trình canh tác). Để sản xuất ra đồ hộp từ quả mít, nhóm đã thực hiện xử lý (tách múi) mít rồi thanh trùng và đóng hộp.

Ông Hùng cho hay nhóm nghiên cứu nhận thấy khả năng sử dụng thêm nguồn nguyên liệu mít non để chế biến thực phẩm, góp phần đa dạng sản phẩm từ mít và nâng cao giá trị kinh tế từ nguyên liệu này.

Chuyên gia bàn giải pháp phát triển lương thực, thực phẩm - ảnh 2

Ông Hùng trình bày tham luận tại hội thảo

PHÚC KHA

Ngoài ra, các nhà khoa học, giảng viên sinh viên còn trình bày nhiều nghiên cứu sử dụng công nghệ hiện đại trong sinh học, hóa học và môi trường. Chẳng hạn, TS Hoàng Thái Hà, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, đại điện nhóm nghiên cứu trình bày tham luận “Nghiên cứu ảnh hưởng của một số thông số đến thời gian sấy cá hố bằng bơm nhiệt kế kết hợp bức xạ hồng ngoại”.

Ông Hà cho biết hiện nay, tại Việt Nam sản phẩm khô cá hố chủ yếu được sấy bằng năng lượng mặt trời, một số ít dùng công nghệ sấy bơm nhiệt. “Khô cá hố được sấy bằng năng lượng mặt trời đã tận dụng được nguồn năng lượng mặt trời cho việc làm khô cá, nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết và môi trường phơi, điều này dẫn đến sự biến đổi chất lượng cá nhanh theo thời gian sấy, thời gian bảo quản cá sau sấy ngắn, giá trị dinh dưỡng bị suy giảm”, ông Hà lưu ý.

“Vì thế, nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào tối ưu hóa sấy cá hố bằng công nghệ sấy bơm nhiệt kết hợp bức xạ hồng ngoại, từ đó đưa ra giải pháp giúp quá trình sấy sẽ nhanh hơn, sự biến đổi xấu chất lượng sản phẩm ít hơn, khả năng tái hydrat hóa sau sấy cao hơn”, TS Hà nói

Cũng theo ông Hà, sau khi nghiên cứu, cá hố được sấy bơm nhiệt kết hợp bức xạ hồng ngoại có chất lượng rất tốt và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, hoàn toàn có thể triển khai ở quy mô công nghiệp hoặc chuyển giao công nghệ cho người dân để đáp ứng nhu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và trên thế giới. Ngoài ra, sấy cá hố bằng tia hồng ngoại xa tiêu thụ ít năng lượng hơn so với sấy bằng không khí nóng.

Chuyên gia bàn giải pháp phát triển lương thực, thực phẩm - ảnh 3
Các đại biểu tham dự hội thảo

PHÚC KHA

Được biết, nghiên cứu quy trình chế biến đồ hộp từ mít non và sấy cá hố bằng bơm nhiệt kết hợp bức xạ hồng ngoại là 2 trong số 70 bài tham luận tham dự hội thảo do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phối hợp với Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tổ chức.

Theo Phúc Kha ( Báo Thanhnien.vn)