KHAI THÁC RONG NHO THIÊN NHIÊN1 KHAI THÁC RONG NHO THIÊN NHIÊN 1

PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG RONG BIỂN

Ngày 2/12, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị Nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành hàng rong biển.
Ngày 2/12, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị Nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành hàng rong biển.
 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị

Theo Tổng Cục thủy sản, Việt Nam có 88 loài rong biển có giá trị kinh tế và có thể trồng được trên biển. Diện tích trồng rong biển tiềm năng là 900 nghìn ha. Tuy nhiên, đến nay cả nước chỉ khai thác được 10.150ha trồng rong biển. Một số doanh nghiệp lớn đã tham gia sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến rong biển. Do đó, Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển ngành này.

Bên cạnh tiềm năng lợi thế, ngành hàng rong biển cũng đang đối mặt với một số thách thức như: chất lượng nguồn giống thấp; cạnh tranh không gian biển với các ngành kinh tế khác; các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và thông tin về rong biển còn hạn chế; hàm lượng khoa học công nghệ trồng, thu hoạch và chế biến rong còn thấp…

Theo Tổng Cục thủy sản, ngành hàng rong biển có tiềm năng nhưng cần sự vào cuộc tích cực từ các địa phương, doanh nghiệp, người dân. Qua đó, kiến nghị các địa phương cần đánh giá tiềm năng lợi thế, tìm hiểu nhu cầu thị trường để xây dựng kế hoạch, tổ chức phát triển sản xuất, chế biến rong tảo biển tại địa phương cho phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương. Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư nhằm đẩy mạnh phát triển trồng và chế biến rong biển hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ cho biết, trong cơ cấu kinh tế thủy sản của tỉnh, nuôi trồng chiếm khoảng 56% về giá trị sản xuất. Rong biển là loài thủy đặc sản của địa phương, sản lượng khai thác tự nhiên hàng năm khoảng 300 tấn, chủ yếu là rong câu, rong mứt. Thời gian gần đây, một số diện tích nuôi thủy sản kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng rong nho. Phú Yên đã định hướng phát triển đến năm 2030 trồng rong nho khoảng 380ha tại một số vùng đầm, vịnh, vùng biển mở nhằm cải thiện môi trường, tạo thu nhập ổn định cho ngư dân.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã trình bày một số tham luận về tiềm năng thị trường và giải pháp phát triển công nghệ chế biến, tiêu thụ rong biển; kết quả nghiên cứu về phát triển rong biển; kết quả nghiên cứu và giải pháp kỹ thuật nuôi trồng rong biển; kết quả nghiên cứu và sản xuất giống rong biển chất lượng cao; các sản phẩm chiết xuất từ rong biển; một số mô hình trồng rong biển và kết hợp nuôi thủy sản; giải pháp phát triển rong biển bền vững; kết quả sản xuất, kinh doanh… Các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về những tồn tại, hạn chế trong sản xuất, kinh doanh ngành rong biển, đồng thời đưa ra một số giải pháp phát triển trong thời gian tới…

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, ngay từ bây giờ cần nghiên cứu, chọn tạo để có những giống rong chất lượng dùng trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm. Tiếp đến là công nghệ trồng để có thể đạt sản lượng cao nhất, rút ngắn thời gian trồng, đặc biệt là đạt chất lượng xuất khẩu. Ngoài ra, chế biến cũng cần thoát khỏi sự đơn điệu, việc đầu tư cho nghiên cứu, chế biến cần đi vào chiều sâu. Các nhà khoa học cùng doanh nghiệp cần chung tay nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm giá trị của ngành rong biển Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó xác định rong biển là đối tượng tiềm năng cần phát triển để hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.

Thực tế, rong biển là nguồn lợi có thể tái tạo. Hầu hết các quốc gia có biển đều quan tâm bảo tồn và phát triển nguồn lợi rong biển. Trồng rong biển có thể qiải quyết sinh kế bền vững, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho dân cư ven biển; đồng thời là giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, giảm phát thải CO2 và giảm áp lực lên hệ sinh thái, góp phần vào sự phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, một trong những giải pháp cơ bản để tăng tốc toàn diện ngành rong biển là ứng dụng khoa học công nghệ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các nhiệm vụ lưu giữ nguồn gien và nghiên cứu chọn tạo giống rong biển phục vụ phát triển khoa học công nghệ về giống giai đoạn 2021 – 2025 thuộc Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030. Bộ NN&PTNT giao Tổng cục Thủy sản từ nay đến hết tháng 1/2023 phải trình Bộ chương trình cụ thể về phát triển rong biển. Phải xác định rong biển là đối tượng rất tiềm năng để có giải pháp phát triển tương xứng. Khi đã phát triển hàng hóa thì các doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở vật chất nhà máy chế biến, mở rộng đối tượng.

Nguồn: https://www.mard.gov.vn